Sau một thời gian dài nhiều người đổ xô vào đầu tư thị trường bất động sản chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, đến nay các hoạt động trở lại bình thường nên nhà đầu tư đã trở lại với nghề chính của mình. Đây chính là hệ quả của việc Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản (BĐS), khiến nhóm đầu cơ vào thị trường này mất đòn bẩy tài chính dẫn đến sự hạ nhiệt của thị trường này.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, dạy học và nhiều ngành nghề khác rất nhàn rỗi. Dẫn đến, nhiều thành phần trong xã hội đổ xô nhảy vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ BĐS. Trước sự kiện này, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS rất sôi động lại thiếu căn cứ và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi chính lực lượng đầu cơ đã đẩy giá BĐS nhiều khu vực lên cao ngất ngưởng, tức là các nhà đầu tư đẩy giá lên một cách vô tội vạ, chủ yếu là kiếm lợi ích cho bản thân mà quên đi cái sự ảnh hưởng chung của thị trường.
Bất động sản có thể được coi là kênh đầu tư an toàn, mang lại lợi nhuận cao nếu biết phán đoán thị trường. Tuy nhiên, chính những thời điểm này nhà đầu tư đổ tiền vào đất quá nhiều sẽ tiềm ẩn những rủi ro cao có thể ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nước nhà. Bởi lẽ, một trong số những chức năng quan trọng nhất của tiền tề chính là lưu thông hàng hoá. Tiền phải chảy vào kinh doanh sản xuất thì mới có thể phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nền kinh tế bền vững, ổn định. Đằng này, khi dòng tiền bị sử dụng mới mục đích đầu cơ quá nhiều thì sản xuất và lưu thông hàng hoá sẽ bị trì trệ, dẫn tới hệ quả nhiều doanh nghiệp bị phá sản, nhà hàng kinh doanh buôn bán vừa và nhỏ phải đóng cửa mà không tạo ra được giá trị thặng dư.
Ý thức rõ ràng được điều đó, Nhà nước đã ban hành những chính sách siết chặt tín dụng bất động sản để kéo theo sự hạ nhiệt của thị trường. Việc siết tín dụng bất động sản đang được thực hiện khá chặt chẽ và có xu hướng mở rộng ra, từ việc cho vay các dự án để huy động vốn, hay tham gia với tư cách là đối tác. Bên cạnh đó, các ngân hàng chỉ xem xét cho vay với những khách hàng có nhu cầu tích lũy ở thật, và tăng thẩm định để hạn chế rủi ro khi cấp tín dụng đối với khách hàng có mục đích đầu cơ.
Nhiều người không hiểu sẽ nghĩ rằng Nhà nước đang làm khó làm dễ, gây cản trở việc làm ăn của người dân. Nhưng đó chỉ là cái nhìn hạn hẹp mang tính cá nhân, chúng ta phải biết nhìn rộng ra cả một thị trường, một nền kinh tế quốc gia. Sự đẩy giá vô tội vạ của bất động sản dẫn tới những biến động khó kiểm soát trong thị trường tiền tệ. Điều này vô hình chung làm đồng tiền trượt giá, gây ra lạm phát, ảnh hưởng cực kì nặng nề tới chất lượng cuộc sống của người dân. Chưa kể đến rằng có rất nhiều tội phạm được sinh ra từ cơn ” sốt đất ” này, chúng tạo ra nhiều dự án “bất động sản ma” nhằm lừa gặt những nhà đầu tư cả tin hay hô giá bất động sản bằng mọi cách để thu về nguồn lợi lớn nhất cho mình.
Dù cho vay bất động sản là một trong những khoản cho vay đem lại lợi nhuận cao của các ngân hàng nhưng lợi nhuận cao thì đi kèm với rủi ro cao. Trước đây, việc các ngân hàng chào mời và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư vay vốn là điều không còn xa lạ. Khi thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều yếu tố không mấy tích cực thì nhân tố bị đe doạ đầu tiên chính là hệ thống cho vay và xử lý nợ của các ngân hàng. Vì vậy, Nhà nước muốn ổn định thị trường bất động sản cũng chính là để đảm bảo trật tự và lợi ích của hệ thống ngân hàng trên toàn quốc.
Thông thường, một nhà đầu tư cá nhân mua bất động thường có vốn vay ngân hàng là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Do đó, việc siết tín dụng sẽ khiến nhóm đầu cơ dùng đòn bẩy tài chính khó huy động vốn. Điều này dự báo thời gian tới các bất động sản có tính đầu cơ, lướt sóng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Về lâu dài, thị trường sẽ trở nên lành mạnh hơn, tránh xảy ra bong bóng bất động sản khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.
Mỗi chúng ta cần có cái nhìn tích cực và khách quan về các chỉ định của Chính phủ bởi một chính sách nào mà Chính phủ đưa ra cũng đều dựa trên nguyên tắc hàng đầu để phục vụ quyền lợi của người dân. Một thị trường bất động sản lành mạnh không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân mà còn góp phần xây dựng đất nước và ổn định trật tự xã hội. Bất cứ hành vi nào xâm hại đến quyền lợi của nhà đầu tư hay vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý thích đáng.